Trẻ em cần có trí tưởng tượng, học cách tư duy phản biện và sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được coi là một công cụ giúp con người giải quyết vấn đề và đưa ra câu trả lời.
Trẻ em cần có trí tưởng tượng, học cách tư duy phản biện và sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được coi là một công cụ giúp con người giải quyết vấn đề và đưa ra câu trả lời.
Hiểu rõ tầm quan trọng của công cụ toàn cầu này, Trường Quốc tế Anh Việt BVIS Hà Nội đã đi tiên phong trong việc tích hợp các nội dung và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giáo dục tại trường.
Xã hội Kỹ thuật số (Digital Society), một bộ môn mới thú vị đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ năm học trước, nhằm phát triển sâu hơn khả năng tư duy phản biện và nhận thức về kỹ thuật số của mỗi học sinh. Môn học này dạy cho học sinh - từ khối lớp nhỏ tới lớn - có trách nhiệm khi tiếp cận với trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời học tập và trải nghiệm không giới hạn từ nhiều tài nguyên mới chỉ thông qua những cái click chuột.
Phụ trách thiết kế nội dung cho môn học này tại BVIS Hà Nội, cô Emma Goldie, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Kinh doanh, Kinh tế học và Khoa học Máy tính, cho biết sau khi tham khảo ý kiến kỹ lưỡng của học sinh, phụ huynh, ban lãnh đạo và nhiều chuyên gia giáo dục, nội dung chương trình đã được điều chỉnh nhằm đáp ứng với mối quan tâm cũng như quan ngại về chủ đề này trong cộng đồng trường.
“Chúng tôi đang tiếp tục khám phá các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, các thiết bị và cách chúng hoạt động, tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu trong giáo dục đào tạo cũng như những định kiến về AI. Nhà trường tập trung vào việc thúc đẩy tư duy phản biện để đảm bảo học sinh biết cách phản hồi thông tin hiệu quả thay vì chỉ đơn thuần là thu nạp kiến thức,” cô Emma chia sẻ.
“Những người học ngôn ngữ thứ hai là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những định kiến kỹ thuật số, ví dụ trường hợp công cụ dò AI dùng để đánh giá bài viết có tồn tại định kiến đối với học sinh nước ngoài không nói tiếng Anh bản xứ. Thông qua tìm hiểu về chủ đề này, các em sẽ có được góc nhìn rộng mở hơn và những hành trang cần thiết để vững bước trong tương lai.”
Ở môn học này, mỗi học sinh được thử thách để phân tích phản biện vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, tác động xã hội của AI và đặt câu hỏi về độ đáng tin cậy của AI với vai trò là một nguồn cung cấp thông tin. Học sinh cũng được khuyến khích khám phá các vấn đề thông qua lăng kính đa dạng của những quan điểm khác nhau, dựa trên những yếu tố như sự khác biệt về AI tại các nước phát triển và đang phát triển.
“Bằng việc tích hợp Xã hội Kỹ thuật số vào chương trình giảng dạy tại BVIS Hà Nội, chúng tôi nuôi dưỡng tư duy phản biện cho một thế hệ trẻ, từ đó các em được trao quyền để giải quyết các vấn đề phức tạp của thế giới kỹ thuật số một cách có trách nhiệm và đạo đức”, cô Emma cho biết. “Bộ môn này không ngừng được đổi mới và phát triển, đảm bảo nội dung học luôn mang tính cập nhật, thử thách và hấp dẫn đối với học sinh.”
Trong tuần đầu của tháng 3 vừa qua, cô Emma Goldie đã cùng các chuyên gia học thuật hàng đầu của Tổ chức Giáo dục Quốc tế Nord Anglia từ khắp nơi trên thế giới đến Hà Nội để cùng thảo luận về những phương pháp đổi mới sáng tạo trong giáo dục nhằm giúp các em học sinh chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
Tại hội thảo do hai trường thuộc Tổ chức Giáo dục Quốc tế Nord Anglia, Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội và Trường Quốc tế Anh Việt BVIS Hà Nội tổ chức, hơn 200 nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế đã tới và gặp gỡ phụ huynh, học sinh và cộng đồng tại Hà Nội để chia sẻ những phương pháp dạy và học hiệu quả, những nghiên cứu thú vị về đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục cùng những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong giảng dạy.