Thông điệp tuần 3/6/2016 từ cô Sarah Wild | trường BVIS Hà Nội - mrs-sarah-wild-weekly-update-3-6-2016
ĐƯỢC VIẾT BỞI
Nord Anglia
03 Tháng Sáu, 2016

Thông điệp tuần 3/6/2016 từ cô Sarah Wild

BVISSecondarytrunghocquocte20160603_755x9999
Thông điệp tuần 3/6/2016 từ cô Sarah Wild

Chủ nhật tuần trước, tôi được mời làm diễn giả trong Hội thảo với chủ đề phát triển tính tự lập cho trẻ. Tôi hiểu rằng chủ đề này rất quan trọng với các bậc phụ huynh, bởi vậy trong bản tin tuần này, tôi muốn tóm lược những ý chính mà tôi đã trình bày trong ngày hôm đó.

Thông điệp tuần 3/6/2016 từ cô Sarah Wild Chủ nhật tuần trước, tôi được mời làm diễn giả trong Hội thảo với chủ đề phát triển tính tự lập cho trẻ. Trong bản tin tuần này, tôi muốn tóm lược những ý chính mà tôi đã trình bày trong ngày hôm đó.

Chủ nhật tuần trước, tôi được mời làm diễn giả trong Hội thảo với chủ đề phát triển tính tự lập cho trẻ. Tôi hiểu rằng chủ đề này rất quan trọng với các bậc phụ huynh, bởi vậy trong bản tin tuần này, tôi muốn tóm lược những ý chính mà tôi đã trình bày trong ngày hôm đó.

Phải nói rằng tôi cảm thấy buồn và lo lắng khi nghe các vị phụ huynh nói họ muốn cho con sống một mình ở bên kia bán cầu để chúng trở nên tự lập hơn. Đây là một quyết định mang tính cực đoan. Chúng ta cần hiểu rằng thanh thiếu niên rất dễ bị tổn thương, và thực tế cũng đã cho thấy nếu chúng ta mang lại cho các em cảm giác yên bình, được bảo vệ và yêu thương, thì các em sẽ trở những người trưởng thành đầy tự tin. Việc cho con đi du học từ quá sớm chắc chắn sẽ gây ra những bất lợi cho các em và mặc dù các em có thể trở nên tự lập hơn, chúng ta vẫn cần xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề mà các em có thể gặp phải.

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu đâu là những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai của trẻ bởi hầu hết các công việc mà các em sẽ làm đến nay còn chưa tồn tại – thế giới đang thay đổi rất nhanh, vì vậy chúng ta cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để các em thành công trong thị trường lao động và những ngành nghề chưa được biết tới của tương lai. Khi còn bé, tôi ngồi trong lớp học nghe giáo viên giảng bài và sau đó chép lại những ý chính. Tôi thường học thuộc kiến thức và sau đó, cô giáo sẽ kiểm tra xem tôi nhớ được những gì. Với phương pháp học này, tôi rất ít khi được chủ động suy nghĩ, đánh giá, phân tích hoặc liên tưởng. Tôi cũng rất hiếm khi làm việc nhóm. Không có một chuẩn mực nào khác để đánh giá năng lực của học sinh ngoài việc câu trả lời là đúng hay sai. Chương trình giáo dục của Anh ngày nay đã thay đổi rất nhiều với mong muốn trang bị cho học sinh kỹ năng tự học và chủ động suy nghĩ, qua đó chuẩn bị cho các em hành trang cần thiết trước khi các em bước vào một thế giới không ngừng thay đổi của tương lai. Mục tiêu tối thượng trong Chương trình giáo dục của Anh là phát triển các em thành những người học linh hoạt, ham tìm tòi và tự lập, và vai trò của các thầy cô giáo là dẫn dắt, hỗ trợ quá trình học tập này của các em.

Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch lớn trong giáo dục, trong đó hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải bắt kịp với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, khi việc tiếp cận với kiến thức ngày càng trở nên dễ dàng, thì đồng thời kho tàng tri thức của loài người cũng đang tăng lên ngày một nhanh chóng; bởi vậy, làm thế nào để sử dụng hiệu quả những kiến thức sẵn có chính là một thách thức. Sách giáo khoa cho hầu hết các môn học cũng không mang nhiều ý nghĩa, vì ngay khi chúng được in ra, hầu hết đã trở nên lỗi thời. Mạng Internet có thể cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin bổ ích, miễn là chúng ta dạy các con cẩn trọng với những gì chúng đang đọc.

Trong quá khứ, chúng ta thường quan niệm để trở thành một giáo viên tốt, chúng ta cần ở bên học sinh và làm tất cả mọi thứ cho các em. Giáo viên thường nghĩ họ phải giảng bài trong toàn bộ tiết học, nếu không đứng trước các em học sinh và điều khiển tiết học thì họ đang không làm tốt công việc của mình. Ngày nay, nếu giáo viên giảng bài quá 10-20% thời gian của tiết học thì đó sẽ được xem là một tiết học không tốt, không được chuẩn bị kỹ lưỡng hay truyền đạt hiệu quả. Vì sao lại vậy? Khi giáo viên giảng bài, các em học sinh sẽ trở nên thụ động và do đó các em sẽ không học tốt như khi được tự mình điều khiển tiết học và theo đó phát triển các kỹ năng để trở nên độc lập. Vì lý do này, chúng ta đã chuyển sang phương pháp học tập mang tính tương tác cao, khi mà học sinh đóng góp tối thiểu vào 80% tiết học. Phương pháp này có thể được triển khai trên các nhóm lớn, nhóm nhỏ hoặc với từng cá nhân; tuy nhiên, sẽ chỉ đạt được kết quả cao nếu chúng ta mang lại cho các em học sinh đầy đủ những công cụ cần thiết để chúng cảm thấy tự tin khi được điều khiển tiết học và chịu trách nhiệm về việc học của mình.

Đa phần, để trẻ có thể tự tin làm điều gì đó một cách độc lập, cần có 3 giai đoạn. Nguyên tắc này áp dụng cho việc học tại trường cũng như các hoạt động tại nhà. Giai đoạn đầu tiên là làm mẫu việc trẻ cần làm. Tiếp đó, giai đoạn hai là luyện tập cùng trẻ, và giai đoạn cuối cùng là tin rằng trẻ có thể làm việc đó một cách độc lập. Giai đoạn cuối cùng thường là giai đoạn phụ huynh và giáo viên cảm thấy khó nhất vì họ có xu hướng đánh giá thấp trẻ hoặc/và không tin tưởng trẻ có thể tự hoàn thành được nhiệm vụ. Bằng việc đánh giá thấp trẻ, chúng ta đang giới hạn sự phát triển và khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ. Chúng ta thường có xu hướng bảo vệ trẻ một cách thái quá và thường vô thức muốn trẻ cảm thấy cần chúng ta!

Khi tôi mới tới Việt Nam, tôi nhận thấy rất nhiều học sinh cảm thấy lo lắng về việc mắc lỗi khi làm một việc gì đó. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi luôn khuyến khích các em mạo hiểm, chúng tôi dạy các em rằng thất bại là chuyện hoàn toàn bình thường, quan trọng là các em đã cố gắng. Như William Edward Hickson – một chuyên gia giáo dục người Anh từ thế kỷ 19 đã nói “Nếu bạn không thành công ngay ở lần đầu tiên thì hãy cố gắng, cố gắng, và cố gắng nữa”. Vì vậy, điều này không hề mới mẻ.

Ở trường và ở nhà, chúng ta cần cho trẻ thấy được sự tự tin từ bản thân chúng ta và sau đó trao niềm tin cho trẻ để các em phát triển những kỹ năng cần thiết để làm việc độc lập. Cần khuyến khích trẻ thử nghiệm và cho phép trẻ thất bại nếu chúng ta muốn các em trở thành những người trẻ tuổi tự tin, độc lập và thành công trong thế giới tương lai.

Cô Sarah Wild - Hiệu phó Khối Trung học