Chúng tôi sử dụng cookies để cải thiện trải nghiệm trực tuyến của người dùng. Vui lòng tham khảo chính sách cookie của chúng tôi để tìm hiểu thêm và quyết định lựa chọn.
Hợp tác độc đáo giữa Tổ chức Giáo dục Nord Anglia cùng Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng (MIT) đem tới những trải nghiệm học tập tuyệt vời cho các em học sinh tại các trường thành viên Nord Anglia trong đó có BVIS. Điều này khuyến khích các em phát huy khả năng sáng tạo, dám thử nghiệm đồng thời học hỏi cách ứng dụng những kỹ năng đã được học vào thực tiễn.
Đối với Phúc Thiên, học sinh lớp 10 tại BVIS, chuyến đi đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) từ ngày 30/10 đến 03/11/2024 cùng 60 bạn bè quốc tế đến từ các trường quốc tế thuộc Hệ thống Giáo dục Nord Anglia trên khắp thế giới đã mang đến cho em một tuần hoạt động đáng nhớ và những trải nghiệm khó quên.
Phúc Thiên chia sẻ: "Được khám phá khuôn viên của MIT, đại học hàng đầu thế giới là một trong những trải nghiệm hấp dẫn nhất em từng có."
Ngay khi đặt chân đến MIT, Phúc Thiên và các bạn được chào đón bởi Thầy Shon Mackie, một nghiên cứu sinh xuất sắc tại đây, người đã giới thiệu cho nhóm một thử thách đặc biệt đó là thiết kế các công cụ hỗ trợ cho một chuyến thám hiểm của MIT đến Alaska. Thử thách này không chỉ yêu cầu các em vận dụng khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm mà còn truyền cảm hứng, giúp Phúc Thiên khám phá tiềm năng của bản thân trong lĩnh vực khoa học và sáng tạo.
Vào ngày thứ hai, Phúc Thiên đã có cơ hội tham dự một buổi trò chuyện do Cô Loika, nhà nghiên cứu tại MIT và chuyên gia bảo tồn biển Nam Cực. Qua những câu chuyện đầy tâm huyết về các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng như chim cánh cụt, Phúc Thiên đã hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của các nhà khoa học trong việc bảo vệ môi trường.
Buổi chia sẻ không chỉ mở rộng kiến thức mà còn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn thiên nhiên, khơi dậy ý thức trách nhiệm của các em học sinh đối với môi trường.
Một trong những hoạt động đáng nhớ của ngày hoạt động thứ tư của chuyến đi là buổi thuyết trình của Tiến sĩ Stewart Isaacs về nghiên cứu tấm pin mặt trời và cách bụi mịn ảnh hưởng đến hiệu suất của chúng. Sau phần trình bày, Phúc Thiên cùng các bạn đã chia nhóm để tìm giải pháp giúp giảm nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100, trải nghiệm thúc đẩy tinh thần sáng tạo và tư duy phản biện.
Chưa dừng lại ở đó, các em còn tham dự hội thảo về mối liên hệ giữa kỹ thuật và nghệ thuật gấp giấy origami. Từ việc chuyển đổi thiết kế 2D thành 3D, Phúc Thiên học được cách ứng dụng kỹ thuật gấp chính xác để xây dựng các cấu trúc phức tạp, phát triển khả năng nhận thức không gian và tư duy kiến trúc.
Ngày thứ tư là một ngày hoạt động đầy thử thách nhưng cũng rất phấn khích. Phúc Thiên cùng các bạn trong nhóm đã làm việc để lắp ráp một chiếc camera đặc biệt, sẽ được MIT sử dụng trong chuyến nghiên cứu sắp tới tại Alaska. Việc chế tạo camera yêu cầu sự chính xác và tính kiên nhẫn, từ thiết kế đến lắp ráp. Phúc Thiên và các bạn đã phải nỗ lực hết mình để hoàn thiện chiếc camera này. Đây là trải nghiệm mang tính thực tiễn cao, giúp em thấy được giá trị của sự tỉ mỉ và tinh thần làm việc nhóm.
Không chỉ là cơ hội học hỏi, chuyến đi này còn mang đến cho Phúc Thiên những giá trị về tình bạn và biết ơn khoảnh khắc. “Điều quan trọng nhất em học được là biết trân trọng thời gian và tình bạn. Em đã gặp rất nhiều bạn bè mới, những người có cùng đam mê, và học hỏi nhiều từ họ. Giây phút nói lời tạm biệt thật sự là điều buồn nhất,” Thiên xúc động chia sẻ.
Trở về từ MIT, Phúc Thiên cảm thấy tự tin và quyết tâm hơn để theo đuổi ước mơ của mình.
Hành trình này không chỉ mở rộng kiến thức và tầm nhìn mà còn khơi dậy những ý tưởng và khát vọng mới, giúp Phúc Thiên xây dựng nền tảng cho những dự định trong tương lai.