Giấc ngủ – Nền tảng cho sự phát triển thành công của học sinh - Sleep The key to helping students flourish
ĐƯỢC VIẾT BỞI
Nord Anglia
03 Tháng Mười, 2024

Giấc ngủ – Nền tảng cho sự phát triển thành công của học sinh

Giấc ngủ – Nền tảng cho sự phát triển thành công của học sinh - Sleep The key to helping students flourish

Vào tháng 2 năm 2023, thầy Liam Cullinan, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Nord Anglia Abu Dhabi đã tham dự một buổi thuyết trình dành cho phụ huynh về tầm quan trọng của giấc ngủ. Cô Mary Carskadon, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, đã kêu gọi các thầy Hiệu trưởng nhận thức rõ và hành động dựa trên thực tế rằng trẻ em cần ngủ nhiều hơn so với thời gian ngủ hiện tại. 

Thầy Cullinan, người vừa mở trường học mới nhất thuộc Hệ thống Giáo dục Nord Anglia tại Trung Đông vào mùa thu năm nay, đã tiếp thu lời khuyên này và phát triển một mô hình ngày học linh hoạt. 

Giấc ngủ – Nền tảng cho sự phát triển thành công của học sinh - Sleep The key to helping students flourish

Tại Trường Quốc tế Nord Anglia Abu Dhabi, giờ học bắt đầu lúc 8:20, muộn hơn khoảng một giờ so với các trường tư khác trong khu vực. Phụ huynh có thể đưa con đến trường từ 7:15 để tham gia chương trình buổi sáng, nơi các em học sinh có thể tập trung bồi dưỡng sức khỏe tinh thần thông qua yoga, thể thao, ăn sáng hoặc học tập. Tuy nhiên, các em cũng có thể chọn ở nhà và ngủ thêm. 

Khoảng 60% phụ huynh đã chọn đưa con đến trường muộn hơn. 

“Phụ huynh của các bé Tiểu học lẫn Trung học đều rất ủng hộ,” Thầy Cullinan cho biết. “Gia đình đều muốn con mình có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, và thanh thiếu niên thì thích việc mình có thể ngủ thêm." 

Vấn đề 

Theo nhà tâm lý học Lisa Damour, giấc ngủ là yếu tố then chốt để duy trì sự ổn định của cơ thể. Mọi người đều biết rằng thiếu ngủ khiến chúng ta trở nên khó chịu, nhưng giấc ngủ còn quan trọng cho khả năng phục hồi cảm xúc, trí nhớ và nhận thức, giúp sức đề kháng tốt hơn và cân bằng sức khỏe thể chất. 

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không rõ chính xác con mình cần ngủ bao nhiêu, và nhiều trẻ em hiện nay không ngủ đủ giấc. Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia, trẻ em từ 6 đến 12 tuổi cần ngủ từ 9-12 giờ mỗi đêm, còn thanh thiếu niên cần từ 8-10 giờ cho đến khi 18 tuổi. Trẻ em có nhu cầu ngủ khác nhau, giống như người lớn, do đó có sự dao động trong các khung giờ này. 

Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số học sinh trung học cơ sở và hơn 70% học sinh trung học phổ thông không ngủ đủ số giờ cần thiết. Trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên ngày càng tăng, thiếu ngủ mãn tính có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo âu, và thậm chí là tự tử. 

Điều này không phải là thông điệp mà nhiều trường học muốn truyền tải. “Có một quan niệm văn hóa cho rằng ngủ nhiều là dấu hiệu của sự yếu đuối,” nhà báo Lisa L. Lewis, tác giả cuốn "The Sleep Deprived Teen" (tạm dịch: Thanh thiếu niên bị thiếu ngủ) chia sẻ. “Đó là một quan niệm sai lầm—giống như việc khoe khoang rằng mình chỉ cần rất ít không khí vậy.” 

Thách thức đối với nhiều gia đình có thanh thiếu niên chính là chu kỳ giấc ngủ của các em khác với người lớn. Não bộ của các em tiết ra melatonin, hormone gây buồn ngủ, muộn hơn so với người lớn, khiến các em không cảm thấy buồn ngủ cho đến khá khuya. Thêm vào đó, việc sử dụng các thiết bị điện tử kích thích não bộ, làm cho việc đi vào giấc ngủ càng khó khăn hơn. Khi phải dậy sớm để đi học, các em trông như những 'xác sống’. 

Thầy Cullinan chia sẻ: 'Tôi nhận thấy rằng các em học sinh trung học chỉ thực sự bắt đầu tập trung sau giờ nghỉ giải lao.' Nhiều trường thường xếp các môn học 'quan trọng' như Toán hoặc Tiếng Anh vào sáng sớm khi học sinh được cho là tỉnh táo nhất, nhưng một lựa chọn hợp lý hơn có thể là để những môn này diễn ra vào giữa buổi sáng, khi các em thực sự tỉnh táo. 

Khi ngủ, não bộ chúng ta làm việc để phục hồi, sửa chữa và nạp lại năng lượng. Đây là lúc mà các thông tin được củng cố, chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn và giúp ta sử dụng lại ký ức ấy sau này. Giấc ngủ cũng giúp củng cố các kết nối thiết yếu giữa những vùng phức tạp của não. Trong giai đoạn dậy thì não của thanh thiếu niên đang trải qua quá trình tái cấu trúc lớn, đòi hỏi nhiều năng lượng, do đó, các em cần nhiều giấc ngủ hơn người lớn. 

Giáo viên và nhân viên tại trường học có thể nhận thấy tác động của việc thiếu ngủ ở trẻ. 'Thành tích học tập rõ ràng bị ảnh hưởng ở nhiều trường, và một số học sinh gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen "10 giờ tối là giờ đi ngủ",' Thầy Simon Higham, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Anh Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ. Tuy nhiên, thầy nhấn mạnh rằng " việc ngủ quan trọng như việc tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng và tình yêu thương dành cho nhau,". 

Giấc ngủ – Nền tảng cho sự phát triển thành công của học sinh - Sleep The key to helping students flourish

Sự thật 1: Thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học. Việc này làm suy giảm trí nhớ, khả năng xử lý thông tin, khả năng tập trung và giải quyết vấn đề — những yếu tố quan trọng đối với học tập. Khi các em học sinh không ngủ đủ giấc, việc tiếp thu kiến thức sẽ trở nên khó khăn, từ đó làm giảm hiệu quả học tập. 

Sự thật 2: Các vận động viên chuyên nghiệp hiểu rằng giấc ngủ mang lại lợi thế cạnh tranh. Cô Cheri Mah, Trưởng bộ phận Giấc ngủ Phục hồi tại Đại học Stanford, đã tiến hành một nghiên cứu với đội bóng rổ nam của trường. Trước khi nghiên cứu, các cầu thủ ngủ trung bình 7 tiếng mỗi đêm. Sau khi yêu cầu các em ngủ ít nhất 10 tiếng, cô nhận được kết quả đáng kinh ngạc: tỷ lệ ném phạt thành công tăng 9%, tỷ lệ ném ba điểm thành công cũng tăng 9%, và thời gian chạy nước rút nhanh hơn đáng kể. 

Sự thật 3: Các nhà hoạch định chính sách đang dựa vào khoa học để hành động, công nhận rằng thanh thiếu niên cần nhiều giấc ngủ hơn. Năm 2019, bang California đã thông qua luật quy định giờ bắt đầu tối thiểu cho các trường học, yêu cầu các trường trung học cơ sở không bắt đầu trước 8 giờ sáng và các trường trung học phổ thông không bắt đầu trước 8 giờ 30 sáng. Tương tự, vào năm 2023, bang Florida cũng đã thông qua luật tương tự. 

Phụ huynh có thể hỗ trợ như thế nào?

Rất thường xuyên, giấc ngủ bị lấn át bởi lịch học tập, thể thao, hoặc các hoạt động ngoại khóa bận rộn. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc ưu tiên giấc ngủ cho con em mình. 

Trước tiên, hãy bắt đầu kế hoạch từ sớm, khi trẻ còn nhỏ và việc thiết lập giờ giấc sẽ dễ dàng hơn. 

"Nhà trường có thể dễ dàng nhận biết những học sinh có thói quen sinh hoạt lành mạnh và những em chưa có," Thầy Higham chia sẻ. "Đến 10 giờ sáng, một số em vẫn gặp khó khăn trong việc tỉnh táo." Tuy nhiên, khi các em bắt đầu hình thành thói quen tốt, kết quả học tập của các em đã thay đổi rõ rệt. 

Với thanh thiếu niên, việc thiết lập thói quen có thể khó hơn. Tuy nhiên, thay vì áp đặt, phụ huynh nên khuyến khích và biến giấc ngủ thành một chủ đề trò chuyện. Đơn giản chỉ cần nói rằng: “Bố/mẹ quan tâm đến sức khỏe và kết quả học tập của con, và giấc ngủ sẽ giúp cải thiện cả hai.” 

Cô Lisa L. Lewis gửi đề xuất cuối cùng, hãy khuyến khích những “thói quen thư giãn”. 

Ngắt kết nối với các thiết bị điện tử, đặt điện thoại ngoài phòng ngủ và không sử dụng chúng ít nhất một giờ trước khi vào giấc. Những hoạt động thư giãn như đọc sách, yoga, hay nghe podcast cũng có thể giúp các em dễ dàng thư giãn và đi vào giấc ngủ hơn. 

Hãy xác định những hoạt động thư giãn phù hợp như đọc sách, nghe podcast, yoga, tô màu, hoặc nghe nhạc. 

Nếu các em thích xem TV hoặc thiết bị cá nhân trước khi đi ngủ, chẳng hạn như xem lại các tập phim Friends, điều đó có thể chấp nhận được nếu con đã ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, nếu như chưa ngủ đủ, hãy điều chỉnh thói quen này để đảm bảo các em có được giấc ngủ chất lượng. 

Là phụ huynh, chúng ta thường dành nhiều thời gian giúp con thành công bằng cách khuyến khích học tập, thể thao và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta tập trung vào điều đơn giản hơn: giúp con ngủ đủ giấc. Như ông Lewis từng nói: “Không có điều gì mà bạn có thể làm tốt hơn khi thiếu ngủ."