Khi con bắt đầu học tập ở giai đoạn Mầm non, hay thậm chí ở bậc Tiểu học hay Trung học sau này, việc tạo dựng tình bạn là rất quan trọng đối với quá trình phát triển giao tiếp của các bé trong suốt thời gian học tập ở trường.
Thông thường, các con cần thêm sự khuyến khích để xây dựng (hoặc đẩy mạnh) kỹ năng kết bạn. Điều này đặc biệt đúng ở lứa tuổi Mầm non khi các bé bắt đầu tạo lập những mối liên kết đầy ý nghĩa với bạn khác.
Cô Kathakali Roy, Giáo viên Điều phối Mầm non của Trường Quốc tế Oakridge Gachibowli, đã đưa ra một số gợi ý hữu ích để phụ huynh hỗ trợ con kết bạn, chú trọng vào giai đoạn Mầm non khi các bé bắt đầu đến trường trong những năm đầu đời.
Tình bạn quan trọng với sự phát triển của các con như thế nào?
Khi bắt đầu học tập ở khối Mầm non, các bé thường vẫn chưa có nhiều trải nghiệm giao tiếp ngoài phạm vi gia đình của mình. Tình bạn chính là cơ hội để các bé học hỏi nhiều kỹ năng cảm xúc, giao tiếp nền tảng như thấu cảm, hợp tác, và giải quyết vấn đề. Tình bạn cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe toàn diện của các bé, tạo cơ hội rèn giũa những kỹ năng thiết yếu trong quá trình phát triển.
Học cách làm bạn đòi hỏi các bé Mầm non phải dùng ngôn ngữ cơ thể, nhạy bén về mặt cảm xúc, và vận dụng kỹ năng giao tiếp. Nhưng không phải mọi đứa trẻ đều cảm thấy dễ dàng khi học hỏi những kỹ năng này và như mỗi phụ huynh đều biết, điều này sẽ bị chi phối bởi nhiều cảm xúc khác nhau. Ví dụ, khi quyết định chơi nấu ăn, các bé cần xác định xem mình muốn sắm vai nào và thực hiện công việc nào – không phải tất cả đều có thể làm bếp trưởng!
Ở trường, các bé sẽ bắt đầu xây dựng kỹ năng xã hội quan trọng như chia sẻ, thay phiên, phối hợp làm việc, lắng nghe lẫn nhau, kiểm soát bất đồng, và tôn trọng quan điểm của người khác. Các bé cần học cách tiếp cận bạn bè khi đang chơi, mời bạn cùng chơi với mình, và giải quyết vấn đề một cách chan hòa. Về mặt tự nhiên, các bé sẽ thích chơi cùng với một số bạn bè nhất định hơn so với những bạn mới xung quanh. Khi được ba tuổi, một số bé sẽ biết rõ ai là bạn mình, trong khi những bé khác có thể chưa nhớ được tên bạn nhưng vẫn có thể thích tương tác lẫn nhau.
Phụ huynh có thể giúp con kết bạn ở trường như thế nào?
Phụ huynh có thể giúp con kết bạn theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý tiêu biểu:
- Trẻ em học hỏi bằng cách quan sát và bắt chước
Phụ huynh có thể minh họa và giúp bé rèn luyện các kỹ năng xã hội, bao gồm mọi khía cạnh từ duy trì giao tiếp bằng mắt cho đến không can thiệp và thậm chí chia sẻ đồ chơi. Cần mất thời gian để nhận thấy sự tiến bộ ở các con, vì vậy gia đình hãy dành lời khen cho sự cố gắng của bé.
- Trò chuyện và lắng nghe
Đây cũng là một trong những kỹ năng quan trọng để kết bạn, ví dụ, thể hiện sự quan tâm về nội dung người khác đang nói mà không gây gián đoạn, và học cách nêu thắc mắc. Bữa ăn trong gia đình có thể là khoảng thời gian lý tưởng để thể hiện những kỹ năng này và cho các bé có cơ hội rèn luyện.
- Thắng và thua một cách hòa nhã
Đây là một kỹ năng khác mà phụ huynh và người chăm sóc có thể làm mẫu để các bé được rèn luyện trong thời gian ở cùng gia đình. Các trò chơi cờ bàn là hoạt động hữu ích để thể hiện kỹ năng này và giúp các bé hiểu rằng không phải lúc nào mình cũng có thể chiến thắng!
- Tạo nên những khoảnh khắc đặc biệt
Phụ huynh hãy lập kế hoạch dành thời gian chất lượng với con một vài lần mỗi tuần để cùng vui chơi với nhau mà không điều chỉnh hành vi của trẻ. Việc phát triển mối quan hệ với con đem lại nhiều lợi ích cho tình bạn của chính các em, và nghiên cứu chứng minh rằng khi cha mẹ cùng phát triển mối quan hệ trong gia đình, các con sẽ ngay lập tức thể hiện hành vi tốt hơn trong tình bạn của mình.
Phụ huynh có thể can thiệp như thế nào nếu con gặp khó khăn khi kết bạn?
- Khuyến khích con chơi chung
Dù ở nhà riêng hoặc khi đến thăm nhà người khác, phụ huynh hãy khuyến khích các em tham gia nhiều hoạt động. Đặc biệt nên tìm kiếm những sự kiện tạo cơ hội cho các bé phát triển giao tiếp như chơi thể thao theo đội nhóm và làm việc với những bạn khác.
- Trò chơi nhập/đóng vai
Thông qua trò chơi tưởng tượng, các bé có thể tập cách giao tiếp nhã nhặn với người khác. Khuyến khích các con giao tiếp ánh mắt, luôn mỉm cười tự nhiên, và dành lời khen chân thành, chẳng hạn như “Mình thích tranh của bạn”. Cũng có thể động viên các bé tình nguyện giúp đỡ bạn khi cần thiết. Chơi sắm vai thường giúp các bé rèn luyện những kỹ năng này.
- Trò chuyện với giáo viên của con
Hãy nhớ rằng giáo viên luôn sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh và con nếu gia đình cảm thấy lo lắng khi con không có bạn. Nhà trường sẽ luôn tìm cách sắp xếp và giúp các bé ở lớp nếu gặp khó khăn khi kết bạn. Với kinh nghiệm chuyên môn, giáo viên có thể xác định được bất kỳ nhu cầu nào liên quan đến sự phát triển của các bé. Ở các trường thành viên thuộc Tổ chức Giáo dục Nord Anglia, mối liên hệ giữa nhà trường cùng với phụ huynh luôn được chú trọng và được xem là sự phối hợp cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu chung: sự thành công của con.
Giáo viên giúp học sinh kết bạn như thế nào?
Như đã nói, giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ con kết bạn ở trường. Ví dụ, giáo viên Mầm non thường dành thời gian đọc những câu chuyện nói về giá trị tình bạn, vốn có thể để lại tác động tích cực lâu dài trong giai đoạn đầu đời của các bé.
Giáo viên cũng có thể khuyến khích và bày tỏ tình bạn bên trong và ngoài lớp học bằng cách biểu hiện những hành động tích cực như mỉm cười hay chia sẻ. Dường như đây là điều cơ bản nhưng rất có ích!
Cuối cùng, lập nhóm hoạt động với số lượng học sinh tham gia ít hơn để các bé ít cảm thấy bị áp đảo nếu gặp khó khăn. Làm việc theo cặp trong giờ học cũng sẽ giúp các bé có thêm bạn mới. Thực tế là việc lập sơ đồ vị trí ngồi trong lớp cũng sẽ tạo môi trường mới thuận lợi cho học sinh Mầm non thực hành giao tiếp.
Kết luận
Hy vọng những gợi ý này sẽ giúp phụ huynh khuyến khích con bước ra khỏi vùng an toàn và tạo lập quan hệ bạn bè trong lớp cũng như ở ngoài sân chơi. Phụ huynh luôn là tấm gương cho con noi theo, vì vậy nỗ lực khuyến khích con phát triển kỹ năng xây dựng tình bạn ở nhà là điều quan trọng. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ gia đình và các bé!
Cô Kathakali Roy là Giáo viên Điều phối khối Mầm non Trường Quốc tế Oakridge Gachibowli.