Chúng tôi sử dụng cookies để cải thiện trải nghiệm trực tuyến của người dùng. Vui lòng tham khảo chính sách cookie của chúng tôi để tìm hiểu thêm và quyết định lựa chọn.
Vào những ngày đầu tháng 9, Trường rất bất ngờ và tự hào khi biết tin cô Trúc – hiện là thủ thư tại BVIS đã có 6 quyển sách về đề tài thiếu nhi được xuất bản. Những quyển sách này nằm trong bộ sách thiếu nhi “Giáo Dục Trí Tưởng Tượng Cho Trẻ” là dự án mà cô Trúc đã ấp ủ nhiều năm nay trong suốt quá trình làm việc tại Trường.
Là một người thích đọc sách, đam mê văn học, một thủ thư tận tâm và là người kể chuyện thật là hay cho các em học sinh, cô Trúc biết rằng đọc sách cho trẻ nghe từ khi còn nhỏ một cách thường xuyên cũng là một chất men xúc tác rất hiệu quả cho việc hình thành chuỗi liên kết tưởng tượng trong tư duy của trẻ. Trí tưởng tượng phong phú giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, một giá trị thành công của tương lai
Đó cũng là lí do ra đời của bộ sách GIÁO DỤC TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CHO TRẺ của Nhà xuất bản Trẻ, thông qua những câu chuyện gần gũi, đời thường nhằm khơi gợi những cảm xúc khởi đầu trí tưởng tượng cho trẻ.
1. Đâu là nguyên nhân khiến chị ấp ủ 1 bộ sách cho thiếu nhi như vậy?
Có hai điều truyền cảm hứng để tôi có được bộ sách Giáo dục trí tưởng tượng cho trẻ. Trong suốt thời gian dài hơn 20 năm được học, nghiên cứu, và trực tiếp đánh giá chọn lọc sách thiếu nhi cho các chương trình dự án phát triển giáo dục tài trợ, và hiện nay cho thư viện trường BVIS, tôi nhận ra có nhiều cái chưa đủ trong truyện tranh thiếu nhi Việt Nam Điều mong muốn đó thôi thúc tôi thách thức bản thân mình “ Nếu biết vậy, thì mình có làm được không?” Năm 2012, hơn 20 bản thảo được ra đời và dừng chân lưu trú ở Nhật ký sáng tác cá nhân. Yếu tố quan trọng mang tính quyết định giới thiệu bản thảo này đến các anh chị giới xuất bản, có lẽ các bạn cũng không ngờ, đến từ công việc của tôi ở BVIS.
Các bạn đọc nhỏ của thư viện trường luôn làm cho tôi thấy yêu thêm cái nghề gắn bó với sách vở của mình. Hàng ngày tôi đọc thấy trong mắt các em sự chăm chú theo từng chi tiết trong truyện; không chỉ ở lời truyện mà các em còn soi rọi phát hiện điểm lý thú trong các chi tiết vẽ minh họa. Sự say sưa “đến nghiêng mình” theo dòng mạch dẫn dắt chuyện. Tôi lắng nghe được những lời kể của các em sau khi đọc được một bản sách ưng ý, vui theo những tiếng cười của các em trước những chi tiết ngộ nghĩnh thú vị của câu chuyện, những giây lắng đọng của các em trước một câu chuyện cảm động. Tôi cảm nhận được sự khao khát của các giáo viên và các em học sinh trường tiểu học trường BVIS, những người yêu sách, thích sách, sáng tạo với sách một sự mong muốn sách truyện Việt Nam cho các em nhỏ cần bổ sung thêm những gia vị mới. Và dĩ nhiên là nếu không có sự ủng hộ công nhận của Nhà xuất bản Trẻ, và sự góp sức của các họa sĩ trẻ tài năng nhiệt tình thì bộ sách này đã không thể đến với bạn đọc được.
2. Bộ sách Giáo dục trí tưởng tượng cho trẻ có gì khác biệt?
Có ba điều khác biệt mà tôi mong muốn đem đến cho các em nhỏ từ bộ sách này, những câu chuyện đơn giản phù hợp với lứa tuổi nhỏ, những hình ảnh minh họa đẹp giúp gợi mở tư duy tưởng tượng, thêm những yếu tố bất ngờ để tăng sự hiếu kỳ cho trẻ.
3. Trong quá trình thực hiện bộ sách, đâu là những thử thách lớn nhất với chị?
Sự không lặp lại cái cũ. Tìm ra tiếng noi chung họa sĩ. Thời gian. Sự tĩnh lặng.
4. Bộ sách này có thể được phụ huynh và các thầy cô sử dụng như thế nào?
Không nên nghĩ giúp các em nhỏ đọc chỉ là đọc hết con chữ trong sách. Nhiều khi bức ảnh minh họa thay thế cả ngàn lời diễn đạt. Hãy giúp khơi gợi sự tưởng tượng giúp các em khám phá, liên tưởng bay bổng từ những điều bình dị xung quanh bé và gia đình, từ một cái hố xuất hiện ở khu vườn của ông (Cái hố to bí mật), từ trò chơi gấp giấy làm thuyền (Con thuyền giấy); từ ngôi sao lấp lánh trên bầu trời(Con muốn có sao); từ những cuộc dạo chơi ra biển hay quanh công viên, hay trong chính ngôi nhà của mình (Người bạn biển, Vườn chữ trong công viên, Chơi trốn tìm).