Là một cây bút nổi bật trong nền văn học Việt Nam đương đại, nhà văn Quế Mai được ca ngợi vì ngòi bút kể chuyện mạnh mẽ và khả năng viết văn xuôi đầy chất thơ trong những cuốn tiểu thuyết được độc giả trong và ngoài nước khen ngợi như "The Mountains Sing" (Sơn Ca) và "Dust Child" (Bụi Đời). Nguyễn Phan Quế Mai đồng thời là một trong số ít các nhà văn có thể sáng tác bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Các tác phẩm thơ tiếng Việt của cô đã nhận được Giải nhất cuộc thi thơ về 1,000 năm Thăng Long, Hà Nội, giải thưởng Thơ của Hội nhà văn Hà Nội. Nhiều bài thơ của Nguyễn Phan Quế Mai đã được phổ nhạc, thổi bùng lên tinh thần và ý chí Việt Nam và tình yêu dành cho nguồn cội, trong đó có bài thơ Tổ quốc gọi tên mình và Tan vào Hà Nội.
Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, Nguyễn Phan Quế Mai đã trực tiếp trải qua những xung đột, di dời và chứng kiến cả quá trình phục hồi của đất nước và văn hóa sau chiến tranh. Những trải nghiệm đó đã trở thành chủ đề định hình cho các tác phẩm của nhà văn, trải dài trong các loại hình tiểu thuyết, thơ ca và tiểu luận. Các tác phẩm của nhà văn Quế Mai đi sâu vào lịch sử và văn hóa Việt Nam, kết nối các thế hệ người đọc và đem đến cho độc giả toàn cầu một cái nhìn sâu sắc và chân thực về di sản phong phú của đất nước Việt Nam.
Thầy Simon Hoare, Tổ trưởng tổ Văn học tiếng Anh, chia sẻ về nguồn cảm hứng khi mời cô Quế Mai tới BIS Hà Nội, "Chúng tôi rất vui mừng khi có thể mời nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai tới gặp gỡ và trò chuyện với cộng đồng BIS Hà Nội. Không chỉ vì cô là một tác giả đoạt giải thưởng văn học quốc tế, mà còn vì cách cô ấy viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam khiến cho mọi người trên thế giới có thể thoải mái tận hưởng và thưởng thức tác phẩm." Sau khi chứng kiến cách cô Quế Mai truyền cảm hứng cho học sinh trong các sự kiện diễn giả trước đó, tổ Văn học tiếng Anh vô cùng hào hứng và mong đợi những chia sẻ và ảnh hưởng tích cực cô Quế Mai có thể đem đến cho học sinh và cộng đồng nhà trường.
Nhà văn Quế Mai mở đầu ngày học với một bài thuyết trình trước các học sinh khối Trung học. Cô chia sẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách và cách mà sách đã thay đổi cuộc đời cô, cũng như cách mà cô đã mạnh dạn đưa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam vào các tác phẩm viết bằng tiếng Anh của mình, để mời gọi bạn đọc quốc tế đến với Việt Nam như một nền văn hóa lâu đời và giàu bản sắc. Sau đó, cô Quế Mai tiếp tục dẫn dắt các lớp viết sáng tạo với chủ đề “Viết về nguồn cội” cho học sinh Khối 7 - 10. Trước đó, cô đã gửi thư cho các học sinh, khuyến khích họ trò chuyện với cha mẹ, ông bà để tìm ra một đồ vật di sản của gia đình, và đem đồ vật hoặc hình ảnh của nó đến lớp viết sáng tạo của cô. Tại các lớp viết sáng tạo, dưới sự hướng dẫn của cô Quế Mai, các học sinh đã sáng tác những tác phẩm văn, thơ, tiểu luận về lịch sử của gia đình mình thông qua việc kể câu chuyện về đồ vật di sản. Các em được truyền cảm hứng, cũng như kỹ năng sáng tác, thực hành viết, và sau đó chia sẻ các tác phẩm của mình ngay trong lớp học. Thông qua các lớp viết sáng tạo của cô Quế Mai, các học sinh được khuyến khích khám phá bản sắc và lịch sử của riêng mình, học cách sử dụng những trải nghiệm độc đáo của bản thân để viết nên những câu chuyện có ý nghĩa.
Sau các lớp viết sáng tạo cho các học sinh, cô Quế Mai đã gặp gỡ các phụ huynh của trường, đặc biệt là thành viên của câu lạc bộ sách do cán bộ thư viện - cô Pamela Mera điều hành. Là những người đã từng đọc và thảo luận tiểu thuyết The Mountains Sing (Sơn Ca), các phụ huynh vô cùng hào hứng khi được trực tiếp trò chuyện cùng tác giả quyển sách, hỏi sâu về quá trình nghiên cứu, sáng tác và hoàn thành tác phẩm. Nhiều người trong số họ là người nước ngoài, và cho biết tác tác phẩm đã giúp họ hiểu sâu thêm về lịch sử, con người và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nghị lực của người Việt trong việc vượt qua những biến cố để lan tỏa hy vọng và yêu thương. Trước đó, các thầy cô trường BIS cũng đã chia sẻ cảm nhận của mình về tiểu thuyết trong một video do trường phát hành.
Sự kiện gặp gỡ với nhà văn Quế Mai đã và đang mang đến những ảnh hưởng tích cực sâu sắc đến học sinh. Các em không chỉ có được các kỹ năng thực tế trong việc xây dựng cấu trúc bài viết và sử dụng ngôn ngữ hiệu quả mà còn hiểu sâu hơn về cách văn học có thể phản ánh bản sắc cá nhân và văn hóa. "Trải nghiệm này đã giúp cho học sinh phát triển sự tự tin vào khả năng sáng tạo của mình và nhận ra sự độc đáo trong bản sắc của chính mình", thầy Simon Hoare chia sẻ. Sau khi gặp gỡ và trao đổi với một tác giả văn học nổi tiếng, học sinh đã được truyền cảm hứng để khám phá những góc nhìn mới, cải thiện khả năng viết của mình và nhìn nhận văn học nghệ thuật như một phương tiện mạnh mẽ để thể hiện bản thân.
Trước chuyến thăm này, em Phạm Bùi Gia Khanh, người sáng lập trại sáng tác Camp Lumina và hiện là học sinh Khối 12, đã mời cô Quế Mai đến chia sẻ và trực tiếp đứng lớp một ngày tại trại sáng tác đầu tiên dành cho học sinh Việt Nam từ 13 đến 20 tuổi, diễn ra vào tháng 6 năm nay. Vào ngày 20/10 vừa qua, cô cũng được mời phát biểu tại buổi ra mắt sách "Nắng Trong Tâm". Cuốn sách bao gồm các tác phẩm chọn lọc từ hơn 20 tác giả đã sáng tác trong thời gian diễn ra Trại Lumina được xuất bản và ra mắt bạn đọc cả nước. Cuốn sách là tuyển tập các tác phẩm với đa dạng thể loại như thơ Hai-ku, thơ tự do, truyện ngắn, tản văn ngoại ngữ... Trong bài phát biểu của mình, cô cũng thẳng thắn nhìn nhận tại Việt Nam hiện nay không thiếu những tác phẩm hay, nhưng điều chúng ta còn thiếu là những dịch giả giỏi, những nhà văn có thể viết được bằng 2 ngôn ngữ để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới. Nhà văn Quế Mai cho biết thêm, “Do đó, tôi rất mừng khi đọc những sáng tác của các bạn trẻ được viết bằng cả hai ngôn ngữ Việt, Anh và được xuất bản trong cuốn sách được trình bày rất nghệ thuật, chỉn chu như vậy. Các bạn sẽ là những người tự tin bước ra thế giới bằng ngòi bút không nao núng của mình”. Đọc thêm về trại sáng tác Camp Lumina và cuốn sách "Nắng trong tâm" tại đây.
Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình khi giao lưu với các học sinh, giáo viên và phụ huynh trường BIS, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ: "Tôi rất vinh dự được đến thăm và làm việc với một số trường quốc tế ở Việt Nam, trong đó có trường quốc tế Anh tại Hà Nội. Tôi ấn tượng trước sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của các thầy cô giáo, và khả năng, sự nhiệt huyết của các em học sinh. Ở trường BIS, sau bài nói chuyện về tầm quan trọng của sách và về việc thói quen đọc sách đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi sâu sắc của các học sinh, phản ánh sự quan tâm của các em dành cho văn học. Trong các lớp viết sáng tạo mà tôi tổ chức, tôi đã rất xúc động khi nghe các em chia sẻ những câu chuyện mà các em viết về gia đình, tổ tiên, bằng cả tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Tôi đã chia sẻ với các em rằng, sự gắn kết với nguồn cội sẽ khiến các em trở thành những cái cây có gốc rễ vững chãi, để các em có thể vươn cao hơn và xa hơn, để các em có thể giữ gìn bản sắc trong quá trình trở thành công dân toàn cầu. Tôi rất vui khi biết trường quốc tế Anh đang tập hợp các sáng tác của các học sinh từ lớp học của tôi thành một tuyển tập. Tôi mong đợi tuyển tập đó vì nó sẽ thể hiện tài năng sáng tạo, khả năng sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ của các học sinh, và tình yêu, sự quan tâm của các em dành cho nguồn cội của mình. Xin cảm ơn ban giám hiệu của trường, các thầy cô và các phụ huynh đã dành cho tôi một hân hạnh lớn lao: được làm việc với thế hệ trẻ, những người sẽ quyết định tương lai của thế giới chúng ta.”